Đối ngoại Nhà_Tiền_Lê

Với Trung Quốc

Thực hiện chính sách "thuần phục giả độc lập thật", về cơ bản quan hệ ngoại giao giữa nhà Tiền Lê với nhà Tống có nhiều thuận lợi. Nhà Tống tỏ ra dè dặt, mềm dẻo với các vua Lê vì luôn phải đối phó với nguy cơ từ người Khiết Đan ở phía bắc.

Sau thất bại năm 981, vua Tống bằng lòng công nhận Lê Hoàn, phong ông làm Tiết độ sứ và không hỏi tới dòng dõi nhà Đinh nữa.

Năm 986987, Tống Thái Tông sai Lý Giác đi sứ sang Đại Cồ Việt. Trong lần đi sứ năm 987, Lý Giác làm thơ tiễn có câu: "Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu", nghĩa là: Ngoài trời lại có trời soi nữa. Sư Khuông Việt nói rằng thơ này có ý tôn Lê Hoàn không khác gì vua Tống[11].

Năm 990, nhà Tống lại cử Tống Cảo đi sứ Đại Cồ Việt lần nữa. Lê Văn Siêu bình luận điều này cho rằng: thượng quốc ít khi chịu mất công vì nước nhỏ như vậy, vì nhà Tống trong thời kỳ giao tranh với nước Liêu năm 986 và bộ lạc Thảng Cốt năm 990[12].

Khi sứ Tống là Tống Cảo sang phong chức, Lê Hoàn nhận tờ chiếu của vua Tống mà không chịu quỳ, nói thác rằng bị ngã ngựa đau chân. Lúc đó sứ Tống im lặng không thắc mắc gì. Lê Văn Siêu cho rằng điều này hoàn toàn là do sự ngang ngạnh của vua Lê và không phải Tống Cảo không biết, nhưng đã không phản ứng. Trong sớ tâu Tống Thái Tông sau này, Tống Cảo nói rằng dù thác cớ đau chân nhưng ngay sau đó Lê Hoàn lại có thể đi chân đất, cầm cần câu lội xuống nước câu [13].

Trong lần tiếp sứ Tống, Lê Hoàn còn làm những việc khác trêu chọc sứ phương Bắc như sai người mang con hổ đến công quán cho sứ Tống xem; lại sai mang con trăn lớn đến công quán, hỏi sứ Tống có ăn được thì làm cơm thết đãi. Sứ Tống khước từ không nhận và không dám nổi nóng theo tư thế của sứ giả thiên triều[13].

Sau đó Lê Hoàn nói với Tống Cảo về việc ngoại giao:

Sau này có quốc thư thì cho giao nhận ở đầu địa giới, khỏi phiền sứ thần đến tận đây nữa.

Tống Cảo về tâu lại, Tống Thái Tông bằng lòng với đề nghị của vua Lê.

Năm 995, nhà Tống lại phong Lê Hoàn làm Giao Chỉ quận vương. Năm 995-996 ở biên giới hai bên đã có biến cố vì sự bạo loạn của các thổ quan vùng khe động. Tướng nhà Tống bắt hơn 100 người làm loạn trả lại cho Đại Cồ Việt. Phía nhà Lê cũng bắt 27 người trả lại phía Tống và sai sứ sang tạ ơn. Nhà Tống lại sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho Lê Hoàn. Năm 997, nhà Tống lại gia phong vua Lê làm Nam Bình vương.

Năm 1004, vua Lê sai Hoàng tử Lê Minh Đề đi sứ Tống. Sang năm 1005, Lê Hoàn mất, các con tranh ngôi, trong nước loạn lạc. Mình Đề phải ở lại trú ở Quảng Châu. Triều thần nhà Tống xui Tống Chân Tông phát binh đánh, nhưng vua Tống cho rằng nhà Lê giữ lệ tiến cống và sai con sang chầu, không nên đánh để giữ cho phía nam yên ổn[14].

Năm 1006, Lê Long Đĩnh giết anh là Trung Tông giành được ngôi vua. Nhà Tống không can thiệp. Sang năm 1007, Tống Chân Tông sai sứ sang phong cho Long Đĩnh làm Giao Chỉ quận vương và đúc ấn đưa sang.

Năm 1009, Lê Ngọa Triều sai sứ đem biếu nhà Tống con tê ngưu thuần. Vua Tống cho rằng tê ngưu từ xa đến, không hợp thủy thổ muốn trả lại; nhưng sợ phật ý vua Lê, đợi cho sứ Đại Cồ Việt về rồi mới mang thả ra biển. Lê Ngọa Triều sau đó lại xin áo giáp mũ trụ giát vàng, vua Tống bằng lòng cho.

Với Chiêm Thành (Champa)

Năm 981, Lê Đại Hành sai Từ Mục, Ngô Tử Canh sang sứ Chiêm Thành, bị vua Chiêm bắt giữ. Lê Đại Hành nổi giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh.

Năm 982, vua Lê khởi binh thân hành nam tiến. Quân Đại Cồ Việt thắng lớn, chém chết vua Chiêm là Ba Mi Thuế tại trận. Chiêm Thành thua to, nhiều quân sĩ bị bắt sống. Quân Lê bắt lính cùng kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu nước Chiêm.

Một viên tướng là Quảng giáp Lưu Kế Tông trốn ở lại Chiêm Thành và sau này chiếm lấy ngôi vua Chiêm Thành.

Năm 992, vua Chiêm mới là Harivarman II sai sứ sang xin lại 360 tù binh bị bắt giữ mang về châu Ô Lý[lower-alpha 7]. Harivarman II sai sứ là Chế Đông sang dâng sản vật địa phương, vua Lê trách là trái lễ, không nhận. Harivarman II sợ hãi, năm 994 lại sai cháu là Chế Cai sang chầu. Từ đó quan hệ hai bên khá yên ổn không xảy ra xung đột.